0
Hoa Đào Nhật Tân - Hà Nội
        Mừng Tết đón Xuân, bà con ở miền Bắc thường chọn cho nhà mình một cành Đào đỏ thắm về cắm trên bàn thờ hoặc nguyên cây Đào trồng chậu để trang trí trong nhà. Theo quan niệm của cổ nhân thì hoa Đào được cho là có khả năng trừ tà ma và trấn áp những điều không tốt. Màu đỏ biểu tượng cho luồng sinh khí mạnh mẽ, mang ý nghĩa tâm linh như một lời chúc phúc may mắn cho gia chủ trong dịp đầu xuân.
       Cùng tìm hiểu một truyền thuyết liên quan đến tập tục chưng hoa Đào ngày Tết trong nhà:
       Xưa kia, ở phía Đông núi Sóc Sơn có một cây hoa Đào cổ thụ , cành lá sum suê, to lớn khác thường, bóng rậm che phủ cả một vùng rộng lớn. Trên cây có hai vị thần tiên trú ngụ với nhiều quyền năng linh hiển từng che chở cho dân chúng khắp vùng. Quỷ dữ hay ma quái nào bén mảng lui đến ắt khó mà tránh khỏi sự trừng phạt của 2 vị thần linh. Ma quỷ rất khiếp sợ uy vũ sấm sét của hai vị thần, đến nỗi sợ luôn cả cây đào. Chỉ cần trông thấy cành hoa đào là cao chạy xa bay. Đến ngày cuối năm, cũng như các vị thần khác, hai thần trên cây Đào cổ thụ phải lên thiên đình chầu Trời.
      Bởi vậy trong những ngày Tết, do vắng bóng 2 vị thần ở dương thế nên ma quỷ lại được dịp hoành hành, tác oai tác quái. Để tránh bị ma quỷ quấy phá, bà con quanh vùng thuở đó đã đi tìm đến cây cổ thụ bẻ những cành hoa Đào về cắm vào lọ chưng trong nhà. Những ai không kiếm được cành đào thì tạm lấy giấy hồng điều vẽ hình 2 vị thần linh dán ở cột trước nhà, để xua đuổi ma quỷ.
     Từ đó đã hình thành nên tập quán của bà con ta ở miền Bắc là thích chưng cành Đào trong ba ngày Tết cho đến ngày nay. 
     Một chuyện cổ tích để thư giãn trong những ngày đầu Xuân, tuy nhiên nếu không vì tập tục thì hoa Đào vẫn chứng tỏ là một loài hoa đẳng cấp có cành hoa tạo dáng rất mỹ thuật, với sắc màu đỏ thắm tươi vui dùng để ngắm nhìn trong mỗi độ Xuân về rất thú vị không thể bỏ qua trong dịp Tết. 


Đăng nhận xét

 
Top